Phố à, phố ơi phát hành giữa tháng 12/2017 với 11 ca khúc – Tôi xưa nay Hà Nội (Vũ Cát Tường), Phố à phố ơi, Cây bàng của cha (Lưu Hà An), Giấc mơ tôi (Hồng Nhung), Cây vĩ cầm (Lê Yến Hoa), Phố cổ (Nguyễn Duy Hùng), Đêm nằm mơ phố (Việt Anh), Về với đông, Phố thu (Vũ Minh Tâm), Lời thú tội (Dương Khắc Linh – Thanh Bùi – Hồng Nhung), Thư Hà Nội (Nguyễn Vĩnh Tiến). Hồng Nhung lý giải tên album: “Nghe vang lên sự thân thương, gần gũi”. Nhân vật trữ tình xuyên suốt là phố và “tôi”. Phố như người bạn lâu năm, một người thân, người thương cũ của Hồng Nhung, để sau bao năm tháng đi xa trở về cô có thể níu áo mà hàn huyên: “Phố ơi, phố à”, “Phố ơi có nhớ…”.
Hồng Nhung lựa chọn cách hát như kể chuyện. Không “lên đồng” ma mị như từng diễn Ngẫu hứng sông Hồng, không trưng trổ kỹ thuật với những nốt ngân lê thê như khi hát Nỗi buồn của Phú Quang, Hồng Nhung dùng chính kỹ thuật thanh nhạc của mình để điều tiết cảm xúc, khiến mỗi bài hát vang lên đều như lời tự sự – ngắn gọn, thủ thỉ, chân thành, đôi khi da diết.
Album vẽ ra một Hà Nội của Hồng Nhung nhưng rất đặc trưng và thuộc về ký ức chung của nhiều người – có phố cổ, gió mùa đông bắc, cây bàng, có đám bạn thời nhỏ, có bóng dáng người bà, người mẹ, người cha… Trong ca khúc Giấc mơ tôi do chính Hồng Nhung sáng tác, cô kể: “Ngày tôi sinh, một mái nhà ngói gốc nhãn già/ Ngày tôi sinh, cái lạnh cắt trên da/ Đêm lắc rắc sương rơi/ Gió rít khẽ qua khe/ Cánh cửa cũ phai sơn/ Vẫn có tiếng ai rao xa xa nghe nao nao“.
Phố à, phố ơi của Hồng Nhung ra đời sau ba năm ấp ủ. Sản phẩm được trau chuốt với những bản phối tinh tế, hiện đại. Người nghe có thể cảm nhận được cả tiếng chim, tiếng cơn mưa trong Phố thu, tiếng đời sống náo động qua giai điệu trong Tôi xưa nay Hà Nội. Hơn cả âm nhạc, trong album mới, Hồng Nhung bày tỏ một thái độ, tâm thế sống yêu đời, yêu người. Con người Hồng Nhung mang trái tim yêu căng tràn lồng ngực, ôm cả quá khứ trong tim để kiêu hãnh bước đi giữa hiện tại.
Download via DIRECT LINKS
Leave a Reply